Công nhân thi công đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại khu vực huyện Long Thành - Ảnh: H.MI
Ông Nguyễn Đình Nam - phó giám đốc Ban điều hành dự án thành phần 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Ban quản lý dự án 85, Bộ Giao thông vận tải) - cho biết: "Dự án thành phần 2 đi qua năm xã của huyện Long Thành dài khoảng 18,2km.
Đến thời điểm này, ban đã nhận được khoảng 31% diện tích mặt bằng. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với địa phương để tổ chức các mũi thi công đồng loạt, đảm bảo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, lúc này đang lo nhất là nguồn đất đắp để thi công trên tuyến trong thời gian tới".
Đại diện Ban quản lý dự án 85 cho biết khả năng cung cấp của các mỏ thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu (về chất lượng và công suất khai thác). Công tác tìm kiếm, khảo sát các vị trí khai thác theo cơ chế đặc thù của nhà thầu gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, chưa được địa phương chấp thuận chủ trương khai thác.
Đề xuất lấy đất đắp tại 2 vị trí
Trả lời Tuổi Trẻ Online về giải pháp nguồn nguyên vật liệu cho thời gian tới, Ban quản lý dự án 85 cho hay đã chỉ đạo các nhà thầu sử dụng đất san lấp, đá phong hóa tại các mỏ đá trong khu vực (cụm mỏ Tân Cang, mỏ Thiện Tân), kiểm tra chất lượng, thi công đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo Ban quản lý dự án 85, hiện nhà thầu đã đề xuất khai thác vật liệu đất đắp theo cơ chế đặc thù tại khu vực quy hoạch xây dựng nhà ga T3 - sân bay Long Thành với trữ lượng khoảng 3 triệu m3 và khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành với trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3 (hơn 16ha).
Thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn giao cắt với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: H.MI
Hiện nhà thầu đã khảo sát địa chất và tỉnh Đồng Nai cũng đã báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nguồn đất đắp từ dự án sân bay Long Thành phục vụ thi công tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong đó, nhà thầu cũng nêu rõ nguồn đất tại khu vực quy hoạch xây dựng nhà ga T3 hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về vật liệu đất đắp nền đường cao tốc.
Mặt khác, khu vực này có cự ly đến chỗ thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngắn. Nhà thầu sử dụng đường công vụ nội bộ của tuyến giao thông kết nối số 1 (T1) - sân bay Long Thành nên rất thuận lợi về vận chuyển, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tới môi trường cũng như đời sống sinh hoạt của người dân và giao thông trong khu vực.
"Hiện nguồn đất được các nhà thầu khai thác ở các mỏ thương mại nhưng nguồn cung không đủ. Lo thiếu nguồn đất đắp nên ban đã báo cáo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến hướng dẫn khai thác nguồn đất đắp theo cơ chế đặc thù tại hai vị trí là nguồn đất ở sân bay Long Thành và khai thác mỏ ở xã Phước Bình", ông Nguyễn Đình Nam cho biết.
Thiếu mặt bằng, vướng hạ tầng kỹ thuậtCũng theo Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải), dự án thành phần 2 gồm hai gói thầu xây lắp, đến nay đã triển khai 34 mũi thi công, sản lượng đạt khoảng 440/4.279 tỉ đồng, đạt hơn 10,2% giá trị hợp đồng.
Theo Ban quản lý dự án 85, đến nay ngoài hạn chế mặt bằng, nguồn đất đắp, việc thi công còn vướng cả hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế và trung thế, viễn thông, đường ống dẫn nước... Hiện tại các mũi thi công chủ yếu là thi công kết cấu công trình như xử lý đất yếu, cầu, hầm chui dân sinh và hệ thống thoát nước...
Một đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn vướng nhà dân - Ảnh: H.MI
Ông Đặng Xuân Nam - chỉ huy trưởng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thái Yên (thuộc nhà thầu gói thầu số 9, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) - khẳng định nhà thầu đã huy động đầy đủ máy móc thiết bị, vật tư, thi công những hạng mục thực địa hiện có.
Tuy nhiên, một số vị trí mặt bằng đang vướng nên nhà thầu cũng đề nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ chung của dự án.